NGƯỜI TRẺ BÂY GIỜ ĐI LÀM MÀ NHƯ “MẸ THIÊN HẠ”?!

Có người nói rằng: “công sở như một cuộc tình, nếu hết duyên ra đi, xin giữ lại cho nhau những cái nhìn tốt đẹp”. Nhưng dường như nhiều người trẻ lại chỉ thích làm kẻ phụ bạc trong cuộc tình này.

Gần đây, tôi có đọc trên Kênh 14 một bài viết về một bạn nữ trẻ bị nhà tuyển dụng từ chối thẳng thừng với lý do “chỗ mình không tuyển người nói chuyện không có chủ vị”. Câu chuyện này được biết đến là do chính bạn nữ này đăng đàn đoạn chat lên mạng xã hội để “kêu oan” và mong nhận được câu công bằng từ cộng đồng mạng. Nhưng không may cho cô gái này, hầu hết cộng đồng mạng đều đứng về phía nhà tuyển dụng. Thực sự đây không phải là một câu chuyện mới mà là hiện trạng đang xảy ra ngày một trên thị trường tuyển dụng. Không đơn thuần là chuyện giao tiếp mà còn nhiều lắm những câu chuyện “thái độ” của những người trẻ khi đi làm. Nổi bật như:

Giao tiếp như “mẹ thiên hạ”.

Tôi vốn quản lý một số trang fanpage tìm việc, và thường xuyên nhận được các tin nhắn như: “cần một công việc”, “có tuyển tại Lâm Đồng không?”, hoặc thấy một thông tin tuyển dụng thì chỉ ghi vỏn vẹn chữ “ib”,… Đừng nói đến chủ vị, đôi khi chỉ cần ứng viên không viết tắt và rõ ý là đã quá tuyệt vời. Hoặc nhiều trường hợp các bạn viết mail để ứng tuyển, nhưng chỉ đính kèm độc một bảng CV, không một lời chào hỏi, giới thiệu trong nội dung mail. Câu hỏi đặt ra vậy phải giao tiếp với nhà tuyển dụng như thế nào cho hợp lẽ. Tôi nghĩ các bạn không cần phải giao tiếp như thể nhà tuyển dụng là cấp trên, hay kiểu o bế. Vì tuyển dụng là một quá trình thuận mua vừa bán và món hàng trong quá trình này chính là sức lao động của bạn. Chỉ cần đơn giản các bạn tuân thủ các nguyên tắc giao tiếp, thể hiện sự tôn trọng và chuyên nghiệp trong quá trình giao tiếp là đã quá đủ.

Không tôn trọng lịch hẹn phỏng vấn.

Nhận lời tham dự cuộc hẹn phỏng vấn nhưng đến hẹn thì không một cuộc gọi nhỡ hay một email thông báo. Nhà tuyển dụng nhiều khi sốt ruột, đôi khi lo lắng không biết bạn có gặp sự cố trên đường đi hay không? Nhưng khi họ cố gắng liên lạc với bạn thì sự hồi đáp là: không nghe máy, “thuê bao quý khách…”, hay những lý do không thể ngờ như “em ngủ quên chị ơi…”, “xa quá anh ơi”, “em quên mất”, “em thấy em không phù hợp với công việc bên anh/chị”, “em có việc khác rồi”. Có rất nhiều lý do để ứng viên không tham gia một cuộc phỏng vấn, nhưng các bạn lại không chủ động thông báo trước với nhà tuyển dụng. Tôi nghĩ các bạn nêu ra lý do gì cũng được, vì quan trọng các bạn đã không muốn đến phỏng vấn thì lý do không còn ý nghĩa. Tuy nhiên lẽ thường khi không thể đến một cuộc hẹn với ai đó, phép lịch sử tối thiểu bạn nên thông báo cho họ biết bạn không đến được. Câu chuyện phỏng vấn cũng tương tự, tiếc gì một tin nhắn, một cuộc gọi, mà các bạn không thông báo cho nhà tuyển dụng. Hãy tạo cho bản thân thói quen chuyên nghiệp và tôn trọng người khác. Thử tượng tượng bạn có hẹn phỏng vấn, bạn chuẩn bị chỉn chu, đến sớm trước giờ hẹn 10 phút, nhưng đến nơi không ai tiếp bạn, người hẹn bạn không có ở văn phòng, bạn gọi điện người kia không nghe máy. Bạn phải chờ và sau đó phải ra về trong bực dọc. Tôi tin sau đó bạn sẽ làm ầm ĩ trên mạng xã hội, bạn sẽ bốc phốt… bạn chửi bới công ty sao không chuyên nghiệp. Hẳn các bạn đã hiểu ý tôi, sẽ không ai vui khi bị cho “leo cây” cả. Vì thế hãy ngưng viện lý do, hãy biết tôn trọng người khác, rồi bạn sẽ luôn nhận được sự tôn trọng.

Nghỉ ngang không thông báo

Có người nói rằng: “công sở như một cuộc tình, nếu hết duyên ra đi, xin giữ lại cho nhau những cái nhìn tốt đẹp”. Nhưng dường như nhiều người trẻ lại chỉ thích làm kẻ phụ bạc trong cuộc tình này. Không phân biệt trong giai đoạn nào: đào tạo, thử việc hay đã ký hợp đồng chính thức. Các bạn thích là sẽ nghỉ, có thể nay thông báo, mai em nghỉ. Hay nhẹ nhàng hơn, đang đi làm ở thị trường bỏ nghỉ ngang với lý do không phù hợp với công việc. Hoặc có trường hợp sau hai ngày được đào tạo nghiệp vụ đến ngày làm việc lại không đi làm. Và khi một cuộc tình tan vỡ thì dù ít hay nhiều cũng sẽ có một bên mang thương tổn. Có thể doanh nghiệp chỉ mất một hai người nhân viên không đáng để tuyển dụng. Nhưng người nhân viên đó đã vô tình gán cho bản thân cái nhãn vô trách nhiệm trong mắt nhà tuyển dụng. Thị trường tuyển dụng Việt Nam không phải quá lớn nếu cùng làm trong một ngành vì thế bạn đừng để một phút bồng bột của bản thân mà phải hối hận về sau.

Nhìn sâu vào vấn đề có thể có hai nguyên nhân chính: Thứ nhất các bạn nghĩ công việc có ở khắp nơi, không làm nơi này thì làm nơi khác. Tâm lý này dễ dẫn đến hành xử cảm tính dễ nghỉ ngang. Nhưng các bạn à, các bạn đã sai, công việc có thể có ở bất kỳ đâu, nhưng công việc sẽ không sẵn có cho những người không chuyên nghiệp và không thực sự tôn trọng công việc. Thứ hai các bạn tham gia thị trường lao động mà các bạn không tìm hiểu luật. Đã ký hợp đồng chính thức nhưng các bạn lại nghỉ ngang, sau khi công ty thông báo bạn bị phạt theo luật lao động, các bạn bắt đầu năn nỉ, bảo là em không đọc hợp đồng lúc ký. Nghe có vẻ mắc cười, nhưng đó là sự thật đang diễn ra hằng ngày.

Hỡi những “mẹ thiên hạ”, hãy thay đổi thái độ, hãy hành xử chuyên nghiệp hơn, hãy tìm hiểu luật trước khi gia nhập thị trường lao động. Nếu bạn muốn nghiêm túc phát triển trên con đường sự nghiệp. Và hãy học cách chịu trách nhiệm với những gì bạn đã lựa chọn.

PGworks.vn