LỰA CHỌN NGHỀ NGHIỆP – MỘT CÂU: “TÔI THÍCH” LIỆU CÓ ĐỦ?

Rất nhiều lý do được đưa ra dù ban đầu bạn rất hứng khởi và tưởng chừng như bạn có thể ăn đời ở kiếp với công việc và sự lựa chọn đó. Vậy vì đâu lại nên nỗi? Lựa chọn nghề nghiệp - một câu: “tôi thích” liệu có đủ? Quả thật để lựa chọn một công việc bạn cần cân bằng giữa 3 yếu tố: sở thích, khả năng và nhu cầu của xã hội. Đối với từng yếu tố bạn cũng cần thấu hiểu bản thân và thấu hiểu ngành nghề mà bạn lựa chọn để đưa ra những quyết định đúng đắn.

Nhắc đến việc lựa chọn nghề nghiệp dường như nhiều người thường xem trọng yếu tố sở thích. Với lý lẽ rằng chỉ cần lựa chọn một công việc mình thích thì “bạn sẽ không phải làm việc một ngày nào trong đời”. Tuy nhiên tôi đã chứng kiến không ít trường hợp, các bạn nghỉ việc chỉ sau vài tháng với các lý do như: công việc chán quá, nhận ra thực sự bạn không thích công việc này, không có hứng thú làm việc, làm cực quá không làm nổi,… Rất nhiều lý do được đưa ra dù ban đầu bạn rất hứng khởi và tưởng chừng như bạn có thể ăn đời ở kiếp với công việc và sự lựa chọn đó. Vậy vì đâu lại nên nỗi? Lựa chọn nghề nghiệp - một câu: “tôi thích” liệu có đủ? Quả thật để lựa chọn một công việc bạn cần cân bằng giữa 3 yếu tố: sở thích, khả năng và nhu cầu của xã hội. Đối với từng yếu tố bạn cũng cần thấu hiểu bản thân và thấu hiểu ngành nghề mà bạn lựa chọn để đưa ra những quyết định đúng đắn.

1. Khi lựa chọn nghề nghiệp, không quan trọng các bạn thích điều gì nhất, quan trọng các bạn có thể vì điều mình thích mà nỗ lực bao nhiêu.

Trong mỗi con người luôn luôn tồn tại rất nhiều sở thích. Nhưng niềm yêu thích nào có thể biến thành nghề nghiệp của bạn thì phải xem chúng có phải là động lực khiến bạn làm việc hay không. Nếu chỉ là sở thích đơn thuần như một thú vui thì nó sẽ không giúp bạn đi đến đâu trên con đường sự nghiệp. Bởi lẽ việc theo đuổi một ngành nghề nào đó, ngoài yếu tố sở thích bạn cần đầu tư thời gian, trí tuệ và công sức để luyện tập, trau dồi nhằm giúp bản thân có thể làm nghề một cách thuần thục. Cũng giống như bạn nói bạn thích làm một nghệ sĩ múa, nhưng để trở thành một nghệ sĩ múa, 1 ngày bạn phải luyện tập múa hơn 8 tiếng, bạn phải trở nên điêu luyện, dẻo dai. Nhưng chỉ sau một thời gian luyện tập bạn cảm thấy chán ngấy với việc múa và bạn không thể tiếp tục. Hành trình trở thành nghệ sĩ múa của bạn dang dở từ đây. Rõ ràng yếu tố sở thích là tiêu chí bạn nghĩ là quan trọng đã không giúp bạn theo đuổi đến cùng công việc mà bạn chọn.

2. Công việc bạn thích không hẳn là công việc bạn có thể làm tốt, không hẳn là công việc phù hợp với bạn.

Khi nhỏ tôi từng ước rằng lớn lên tôi có thể trở thành ca sĩ, cảm giác đứng trên sân khấu và có nhiều người hâm mộ thật thích thú. Tuy nhiên tôi đành gác lại giấc mơ này vì tôi nhận ra tôi không thể nào hát đúng nhịp và với giọng ca Chai-en của mình thì không thể nào đạt được những gì tôi hằng mơ ước. Một câu chuyện nhỏ để bạn thấy rằng để chọn một nghề nào đó bạn phải thấy rằng bạn cần quan tâm đến khả năng của bản thân. Hãy dừng lại một nhịp để suy nghĩ, bạn yêu thích công việc đó nhưng đó có phải là việc bạn có thể làm tốt chưa? Công việc đó có phù hợp với khả năng, thể trạng, tâm sinh lý của bạn chưa? Có ai đó sẽ nói rằng bạn có thể cố gắng khắc phục điểm yếu, một tinh thần rất đáng hoang nghênh. Nhưng khi ấy bạn chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian hơn và đôi khi “cố đấm ăn xôi” không phải là một giải pháp hay. Khi đó biết đâu bạn đang bỏ lỡ khả năng của bạn trong một lĩnh vực khác, nếu rằng bạn theo đổi khả năng này bạn có thể làm tốt hơn những gì bạn có thể làm đối với công việc khác và tốt hơn cả những người khác trong nghề. Quay trở lại giấc mơ làm ca sĩ khi thơ bé của tôi, giọng hát của tôi không hay nhưng tôi tự tin, tôi có khả năng truyền tải tốt, tôi hoàn toàn có thể đứng trên sân khấu với một vai trò khác như là diễn giả, trainer,... Ngoài yếu tố khả năng các yếu tố về thể trạng, sự phù hợp với tính cách cũng quan trọng không kém khi bạn cần lựa chọn nghề nghiệp. Bạn muốn trở thành một nhân viên bán hàng tại siêu thị cho nhãn hàng của Unilever nhưng chiều cao không đủ. Hoặc Bạn có thể làm việc rất tốt trong bối cảnh không có áp lực nhưng mỗi khi áp lực ập đến một cách dồn dập kết quả công việc của bạn trở nên tệ hại, khi đó bạn không nên chọn những công việc có áp lực quá lớn và mang tính chất thường xuyên. Đừng bỏ qua những công việc bạn có thể làm tốt, vì biết đâu bạn sẽ yêu thích chúng.

3. Sự thật bạn chỉ đang bị thu hút bởi ánh hào quang của công việc đó.

Bạn đã bao giờ nghe đến 2 từ “vỡ mộng”, tôi nghĩ đó là triệu chúng phổ biến của không ít người trẻ khi mới đi làm. Khi mà bạn kỳ vọng quá nhiều vào công việc bạn lựa chọn, khi mà những thứ bạn nghe kể, những gì bạn thích thú chỉ là ánh hào quang của công việc đó. Đến khi thực tế trải nghiệm, bạn mới thấy được phần chìm của tảng băng, để đạt đến thành công, bạn phải đối mặt với những khó khăn, vất vả, có những hôm tăng ca đến 7, 8 giờ tối. Hay phải vượt qua những khách hàng khó tính, phải nắm bắt được sự thay đổi của thị trường và ngay cả nếm mùi thất bại khi không đạt được mục tiêu mỗi cuối tháng. Và bạn cần phải hiểu rằng: "Làm công việc mình yêu thích, bạn chắc chắn vẫn phải vất vả, nhưng cảm giác như khi bạn cùng người yêu đi dưới mưa hay ngồi tám chuyện đến 2, 3 giờ sáng. Mệt không? Mệt. Muốn nữa không? Muốn."

4. Nghề nghiệp bạn lựa chọn có phù hợp với nhu cầu của xã hội.

Xã hội vận động và phát triển chính là nhờ quá trình lao động và làm việc của toàn nhân loại. Một công việc bạn lựa chọn phải phù hợp và giúp ích cho xã hội thì mới là một công việc chính đáng. Hơn nữa lựa chọn những công việc phù hợp nhu cầu xã hội sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển hơn cho bạn.

Nghề nghiệp là một hành trình dài đồng hành cùng bạn, nó không phải nhất thời, và đôi khi càng dấn vào sẽ khó dứt ra. Vì thế đừng chỉ lựa chọn công việc chỉ vì niềm yêu thích mà bỏ quên những yếu tố khác, bạn sẽ không thể đi được đường dài. Không phải cứ yêu thích là bạn sẽ làm tốt, có những lúc bạn làm tốt sau đó bạn sẽ yêu thích. Chúc các bạn thành công với sự lựa chọn nghề nghiệp của mình!

PGworks.vn