DỰ BÁO THỊ TRƯỜNG VIỆC LÀM NĂM 2019: BỨC TRANH NHIỀU KHỞI SẮC

Nhận định về thị trường lao động năm 2019, ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm cho rằng: Với sự chuyển dịch tích cực của nền kinh tế trong và ngoài nước, năm 2019 kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng GDP đạt trong khoảng 6,6% - 6,8%: Cùng sự chỉ đạo của Chính phủ cho thấy thị trường lao động năm 2019 sẽ có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần sử dụng lao động giản đơn sang sử dụng nhóm lao động có kỹ năng và trình độ cao, chất lượng lao động được nâng cao. Cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, việc làm sẽ tiếp tục được tạo ra, dự báo cho thấy số lao động có việc làm trong năm 2019 sẽ tiếp tục tăng lên, đạt con số khoảng 56 triệu lao động có việc làm. Trong đó có tỷ trọng theo hai biểu đồ bên dưới:

Việc làm 2019 có nhiều triển vọng

Nhận định về thị trường lao động năm 2019, ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm cho rằng: Với sự chuyển dịch tích cực của nền kinh tế trong và ngoài nước, năm 2019 kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng GDP đạt trong khoảng 6,6% - 6,8%: Cùng sự chỉ đạo của Chính phủ cho thấy thị trường lao động năm 2019 sẽ có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần sử dụng lao động giản đơn sang sử dụng nhóm lao động có kỹ năng và trình độ cao, chất lượng lao động được nâng cao.

Cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, việc làm sẽ tiếp tục được tạo ra, dự báo cho thấy số lao động có việc làm trong năm 2019 sẽ tiếp tục tăng lên, đạt con số khoảng 56 triệu lao động có việc làm. Trong đó có tỷ trọng theo hai biểu đồ bên dưới:
 

Cũng theo ông Lê Quang Trung, ở khu vực doanh nghiệp, theo kết quả điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2018 cho thấy kế hoạch tuyển dụng năm 2019 của các doanh nghiệp tiếp tục có sự gia tăng, trong đó cao nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vì có sự dịch chuyển của các tập đoàn đa quốc gia từ ảnh hưởng chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Cùng với đó là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới và Việt Nam.

Theo xu hướng này, sẽ có một số ngành có nhu cầu lớn như ngành công nghệ thông tin luôn phát triển với tốc độ cao khiến cho nhu cầu về nhân lực cũng tăng cao, như Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tổng số nhân lực trong ngành công nghiệp công nghệ thông tin hiện nay là hơn 600.000 người, trong đó số lao động đang làm việc trong các ngành công nghiệp phần cứng - điện tử là khoảng 300.000 người; số còn lại thuộc về lĩnh vực công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số.

Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam cần khoảng 1,2 triệu nhân lực công nghệ thông tin vào năm 2020. Bên cạnh đó, tình trạng tuyển dụng lao động của một số ngành cũng sẽ gặp khó khăn như là những nghề liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật như kỹ thuật viên in ấn, thợ láp ráp vận hành máy móc, kỹ thuật thủy lợi, kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ học, cơ khí, thợ chế biến thực phẩm và các thợ khác có liên quan, kỹ thuật viên điện, kỹ thuật viên cơ khí trong sản xuất, lắp ráp và sửa chữa…

Ở thị trường nhân lực trực tuyến, khảo sát của Vietnam Works – thuộc Tập đoàn Navigos Group Việt Nam cũng cho thấy nhiều gam màu sáng, dự báo sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong năm tới. Xem biểu đồ chi tiết.

Cơ hội dành cho người lao động

Nhận định về cơ hội việc làm của lao động Việt Nam khi thực hiện CPTTP và các hiệp định thương mại tự do (FTAs) thế hệ mới khác, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường khẳng định: Thị trường lao động ngày càng trở nên năng động hơn, người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn công việc hơn. Theo ông Bùi Văn Cường, công việc mới được tạo ra ở đây là kết quả của việc tăng cường sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, giữa các tập đoàn cũng như là kết quả của việc áp dụng hàng loạt công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất, đặc biệt là xu thế áp dụng “công nghiệp 4.0”.

Cơ hội việc làm của người lao động thay đổi theo nghĩa, nhiều người sẽ sẵn sàng rời bỏ một công việc để chuyển sang một công việc khác. Họ rời bỏ công việc bởi vì họ muốn thách thức ở một công việc mới, được nhận mức lương cao hơn, hoặc thậm chí nhận mức lương thấp hơn nhưng để đổi lại có nhiều thời gian rảnh rỗi, hoặc mức lương như nhau nhưng nhận được sự quan tâm đào tạo nâng cao trình độ của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng chỉ ra những thách thức như: Nguy cơ mất việc làm từ khu vực doanh nghiệp trong nước cũng gia tăng ở một số ngành và những doanh nghiệp có sức cạnh tranh yếu; những điều kiện ngặt nghèo về lao động, về xuất xứ nguyên liệu cũng có thể khiến hàng hóa Việt Nam không tận dụng được lợi ích từ việc giảm thuế trong CPTPP. Điều này làm cho các doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh, phải thu hẹp sản xuất, thậm chí giải thể, phá sản kéo theo thu hẹp việc làm. “Một trong những dự báo được đánh giá sẽ tác động mạnh đến lao động - việc làm đó là vấn đề bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động.

Trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang là quốc gia đang phát triển, nhu cầu vốn cho nền kinh tế và giải quyết việc làm rất lớn; sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền và chênh lệch khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng gia tăng. Việc ưu tiên thu hút đầu tư, giải quyết việc làm và xu hướng phát triển không đồng đều sẽ là một trong những nguyên nhân làm mất cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội, gia tăng người lao động nhập cư, tác động trực tiếp tới sự dịch chuyển lao động và các vấn đề an sinh xã hội”, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam bày tỏ lo ngại.

Đồng quan điểm về việc cần triển khai tốt các chính sách về lao động - việc làm nhằm hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo việc làm cho người lao động góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm Lê Quang Trung cho biết: Với trách nhiệm của mình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã, đang và sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; mở rộng phạm vi bao phủ của các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động sang khu vực phi chính thức.

Gắn đào tạo với việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Tạo bước đột phá trong giáo dục nghề nghiệp nhằm chuyển biến rõ nét, thực chất về chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động hoặc là làm việc cho doanh nghiệp, hoặc là với kiến thức, kỹ năng nghề được trang bị có thể tự chuyển đổi việc làm hiện tại sang việc làm có chất lượng tốt hơn.

Cũng theo ông Trung, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đang đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, tập trung nâng cao chất lượng phân tích, dự báo thị trường lao động, cung cấp cơ sở cho kế hoạch hóa đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm của người lao động. “Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, trong bối cảnh hội nhập và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động Việt Nam cần nhận thức rõ xu hướng thị trường lao động, tận dụng năng lực bản thân, chủ động tham gia vào quá trình đào tạo, không chỉ về chuyên môn kỹ thuật mà cần chú trọng cả kỹ năng mềm, kiến thức pháp luật lao động để làm chủ công việc bản thân.

Việc nâng cao kiến thức, kỹ năng không chỉ là một lần mà phải xác định học tập thường xuyên, liên tục. Có như vậy mới có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao từ thị trường lao động, giữ được việc làm bền vững và thu nhập ổn định”, ông Lê Quang Trung khuyến cáo.