Chợ truyền thống hay cửa hàng tiện lợi đang thắng thế?

Đây là câu chuyện đáng “buồn” của các tiểu thương ở chợ và dấu hiệu “vui mừng” cho các cửa hàng tiện lợi. Nói thách, hàng hóa không rõ nguồn gốc, thái độ không chuyên nghiệp đang dần khiến người tiêu dùng “quay lưng” với chợ truyền thống?

“Nỗi đau” chợ truyền thống:

Vẫn là một kênh bán hàng quan trọng ở thị trường trong nước, nhưng thu nhập tăng đã khiến người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang các hình thức mua hàng khác tiện lợi hơn. Giữa sự xâm chiếm ngày càng mạnh của các trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống đang sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, xây dựng trang web và phân phối trực tiếp cho nhà hàng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mặc dù các hình thức bán lẻ ngày càng được đa dạng hóa, chợ truyền thống vẫn tồn tại số lượng lớn, hiện nay vào khoảng 8.500 cơ sở. Tỷ lệ 70% người tiêu dùng mua hàng qua chợ truyền thống.

Đi chợ dường như là nếp sinh hoạt hằng ngày không thể thiếu trong mỗi gia đình ở Việt Nam. Dẫu qua bao thăng trầm lịch sử hình ảnh buôn bán tấp nập, nhộn nhịp của các chợ vẫn diễn ra hằng ngày. Sự nhộn nhịp này cũng không khỏa lấp được thực tế là chợ truyền thống đang trở nên mong manh trước sự dịch chuyển hàng ngày của người tiêu dùng về phía kênh bán lẻ hiện đại.

Tuy nhiên giá trị tiêu dùng tuyệt đối ở chợ đang là một vấn đề khiến nhiều tiểu thương phải đau đầu. Sự vận động của đời sống hiện đại đang tạo ra cơ hội cho bán lẻ hiện đại mà các tiểu thương chợ truyền thống rất khó để nắm bắt. Và những người bị “bỏ lại bên lề” vẫn mang theo uẩn ức của riêng mình.

Theo một khảo sát được thực hiện bởi công ty nghiên cứu Nielsen vào năm 2018, trung bình, người Việt Nam mua hàng tại chợ truyền thống khoảng 19 lần một tháng trong khi chỉ đi siêu thị và các cửa hàng tiện ích 10 lần một tháng.

Tuy nhiên, một khảo sát khác cho thấy, người Việt Nam chỉ dành số tiền chi tiêu cho việc mua đồ ở chợ bằng một phần ba đến một nửa số tiền họ chi tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Điều này cũng cho thấy người Việt đi chợ truyền thống chủ yếu để mua đồ giá trị thấp.

Nỗi đau của kẻ này là niềm vui kẻ khác:

Trong khi chợ truyền thống vẫn đau đáo nỗi lo tìm cách chuyển mình để xoay chuyển được tình thế như trước thì cửa hàng tiện lợi lại gần như đang được vững vàng ở vị trí của “kẻ chiến thắng”.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc sở Công thương TP HCM chia sẻ:

  • Ưu điểm của cửa hàng tiện lợi là kiểm soát đầu vào hàng hóa chặt chẽ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Điều này phù hợp với xu hướng hiện nay, khi người tiêu dùng có ý thức hơn về việc sử dụng thực phẩm sạch. Những cửa hàng này nằm xen kẽ trong khu dân cư, công nghiệp, chế xuất tạo kênh phân phối tiện lợi cho người dân.

  • TP HCM đang khuyến khích phát triển cửa hàng tiện lợi ở khu vực ngoại thành, hạn chế phát triển chợ trong nội thành. Thành phố cũng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại để phát triển hệ thống phân phối. Với cửa hàng tiện lợi mang yếu tố nước ngoài, khi kinh doanh phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó các mô hình dạng siêu thị, cửa hàng tiện lợi xuất hiện bên cạnh các chợ truyền thống là một tín hiệu tốt vì việc đó đồng nghĩa với việc các nhà bán lẻ nắm bắt được xu hướng chuyển dịch mua sắm từ kênh truyền thống sang kênh hiện đại. Đời sống của người dân được nâng cao và yêu cầu về xuất xứ, chất lượng hàng hóa cũng phải bắt buộc nâng cao theo. Một quy luật cạnh tranh thay thế bắt buộc, phù hợp với quy luật vận động của thị trường bán lẻ.

Rõ ràng xu hướng chuyển đổi đã tạo nên cho các mô hình bán lẻ những lợi thế nhất định. Và việc chuyển đổi cần thêm thời gian cũng tạo nên nhiều khó khăn, thử thách.

Tuy nhiên, nếu có phương án đáp ứng đa dạng, tiểu tiết hóa hàng hóa và giá cả cạnh tranh thì nhà bán lẻ vẫn có thể dễ dàng thu hút được người tiêu dùng tại các chợ truyền thống. Bên cạnh đó, chất lượng hàng hóa đảm bảo, dịch vụ khách hàng và hậu mãi chuyên nghiệp cũng là một lợi thế rất lớn của kênh hiện đại. Xu thế này không chỉ dừng lại ở các đô thị lớn mà đang dịch chuyển về cả nông thông qua chiến lược của các chuỗi hiện đại.