CÁCH MẠNG 4.0 VÀ CƠ HỘI VIỆC LÀM CHO THẾ HỆ LAO ĐỘNG TƯƠNG LAI

Cả thế giới đang trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng 4.0 và đang chuyển mình từng ngày cùng với sự dịch chuyển của công nghệ. Khi quá trình chuyển đổi số trên diện rộng của toàn xã hội và quá trình cách mạng công nghiệp làm thay đổi căn bản nền kinh tế thì nhu cầu nguồn nhân lực cũng sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ. Và cơ cấu nguồn nhân lực trong 10, 20 năm nữa sẽ dần khác đi so với yêu cầu và trình độ nhân lực hiện hữu.

Cả thế giới đang trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng 4.0 và đang chuyển mình từng ngày cùng với sự dịch chuyển của công nghệ. Khi quá trình chuyển đổi số trên diện rộng của toàn xã hội và quá trình cách mạng công nghiệp làm thay đổi căn bản nền kinh tế thì nhu cầu nguồn nhân lực cũng sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ. Và cơ cấu nguồn nhân lực trong 10, 20 năm nữa sẽ dần khác đi so với yêu cầu và trình độ nhân lực hiện hữu.

Sự thay đổi của nhu cầu nhân lực khi cuộc cách mạng 4.0 diễn ra

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey (Mỹ): “Khoảng 800 triệu lực lượng lao động toàn cầu sẽ bị robot “cướp việc” vào năm 2030”. Thực vậy, thế giới đang mỗi ngày một chuyển dần vào điện toán đám mây, vào tự động hóa, và mỗi ngày một sử dụng nhiều hơn trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ học máy (machine learning), cùng các trình độ phân tích dữ liệu bậc cao. Sự thay đổi nhân lực sẽ xảy ra toàn diện, trong xã hội, trên nền kinh tế vĩ mô cũng như nơi mỗi doanh nghiệp, đặc biệt nơi những lĩnh vực có liên quan đến công nghệ thông tin hay chịu ảnh hưởng nhiều từ nền công nghệ mới này. Những công việc như quản lý máy móc, sản xuất, kế toán, trợ lý luật sư… đều bị robot tự động hóa thay thế.

Thử xem một số dự báo về sự xáo trộn lao động, ví dụ vào năm 2030: Khoảng 2 tỷ việc làm sẽ biến mất và sẽ không còn cán bộ làm việc trong lĩnh vực như ngân hàng, kế toán, các công việc liên quan tới bảo hành bảo trì; 80% công việc mới sẽ có vào năm 2025 chưa từng tồn tại trong giai đoạn hiện nay; 86% người làm việc lao động giản đơn tại Việt Nam sẽ có nguy cơ mất việc làm do tác động của tự động hóa…

Thực tế, ngay ở Việt Nam, một số nghề cũng đang biến mất, ví dụ như nghề xe ôm tự do đã bắt đầu biến mất khi Grab ra đời. Thời điểm 10 năm trước chúng ta làm gì biết đến chạy Grab hay Uber là thế nào? Và chính từ câu chuyện thực tế này, tương lai trong 10, 20 năm tới con người sẽ làm những công việc mà bây giờ họ thậm chí còn chưa biết chúng là gì.

Sinh viên và lực lượng lao động hiện tại cần làm gì để không bị tụt hậu

Sự dịch chuyển và thay đổi cơ cấu nguồn nhân lực mở ra cơ hội nghề nghiệp mới nhưng song song đó cũng mang lại thách thức không nhỏ cho lực lượng lao động hiện tại. Để không bị loại bỏ và tụt hậu, chìa khóa chính là không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ chuyên môn. Và không thể thiếu trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay đó là khả năng ngoại ngữ, hãy trang bị và trau dồi cho bản thân ít nhất một ngoại ngữ phổ biến. Tương lai của cuộc cách mạng 4.0 đó là công nghệ, là tự động, là trí thông minh nhân tạo, vì thế hãy học cách làm chủ công nghệ nếu không muốn công nghệ làm chủ bạn.

Không chỉ doanh nghiệp hay người lao động mà chính những cơ sở đào tạo và sinh viên cũng phải đối mặt với thách thức thay đổi cơ cấu nhân sự trong tương lai.

Đào tạo đại học hiện đang có thách thức lớn vì không biết đào tạo cái gì phù hợp với nhu cầu nhân lực tương lai. Lý do là vì trong 10 - 20 năm nữa thì 70% các kỹ năng lao động hiện nay trang bị cho người lao động sẽ biến mất và sẽ có 80% các kỹ năng mới xuất hiện. Vậy trường học phải đào tạo cái gì để đáp ứng yêu cầu trên?

Jack Ma cũng đã nhấn mạnh nên đào tạo cho con em chúng ta hiện nay những cái mà người máy sẽ không làm được hoặc chưa thể làm ngay được. Đó là những kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, sáng tạo, sự phối hợp công việc, trí tuệ cảm xúc, đàm phán, khả năng tự học…, thay vì các kiến thức mà robot có thể học và làm tốt hơn con người.

Hiện nay, một số trường đang chuyển đổi theo hướng “work-based education”. Tức là đào tạo theo yêu cầu công việc và từ đó làm cho hoạt động đào tạo năng động theo diễn biến của yêu cầu nhân lực. Sự biến đổi nhanh chóng của yêu cầu công việc đặt yêu cầu về năng lực tự học là ưu tiên số một trong học tập hiện nay. Tuy nhiên, nhiều trường đại học đang thiên về dạy kiến thức hơn là trang bị cho sinh viên kỹ năng tự học. Trong doanh nghiệp cũng vậy, các doanh nghiệp đang chuyển biến theo mô hình doanh nghiệp học tập, theo đó khuyến khích quá trình tự học của nhân viên.

Nói tóm lại, trong tương lai sẽ không thiếu những cơ hội việc làm, tuy nhiên doanh nghiệp, người lao động và sinh viên phải học cách thay đổi và nắm bắt những cơ hội.

PGworks.vn

Tham khảo:

http://baodauthau.vn/doanh-nghiep/nguon-nhan-luc-40-co-hoi-va-thach-thuc-69031.html

http://www.thesaigontimes.vn/267753/Nguon-nhan-luc-cho-cach-mang-cong-nghiep-40.html